HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHLB ĐỨC – NHỮNG ĐIỀU BẠN MUỐN BIẾT

Nền giáo dục của Đức được xem là nền giáo dục mang tính cách thực tiễn, lý thuyết và thực hành luôn được xem quan trọng như nhau. Với nguyên tắc cơ bản là khuyến khích tiềm lực từ người học, các cơ sở đào tạo ở Đức luôn hướng tới mở rộng quan hệ hợp tác, tăng các chương trình học trao đổi, chương trình đào tạo Quốc tế nhằm tạo danh tiếng và nâng giá trị văn bằng tốt nghiệp. Nhờ đó các chương trình đào tạo ở Đức rất phong phú, đa dạng và rất cởi mở.

  1. Cấu trúc của hệ thống giáo dục

Hệ mẫu giáo:

Các trường mẫu giáo tại Đức đều được vận hành bởi nhà thờ hoặc tổ chức phi lợi nhuận, chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ. Hệ thống này được chia nhỏ thành nhiều lớp:

– Kinderkrippe: dành cho trẻ từ tám tuần đến 3 tuổi

– Kita: dành cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi từ 7h sáng đến 5h chiều

– Kindergarten: Dành cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi (nửa ngày hoặc cả ngày)

– Hort hay Schulhort: cung cấp dịch vụ chăm sóc sau giờ học cho học sinh tiểu học

Hệ giáo dục tiểu học (Grundschule):

Trước khi đến tuổi giáo dục tiểu học pháp luật Đức quy định rõ ràng trong Hiến pháp “Cấm thành lập trường giáo dục trước độ tuổi đi học”. Các chuyên gia về giáo dục Đức đều khẳng định một cách chắc nịch rằng rằng: “Nhiệm vụ duy nhất của trẻ trước khi vào lớp 1 là trưởng thành một cách vui vẻ ”.

Đến 6 tuổi, trẻ em tại Đức sẽ nhập học vào trường tiểu học (còn gọi là Grundschule) trong 4 năm. Riêng tại Berlin và Brandenburg, bậc tiểu học kéo dài đến 6 năm. Hầu hết các trường có kỳ nhập học vào tháng 9 hàng năm.

Hệ giáo dục phổ thông:

Sau khi kết thúc chương trình tiểu học (bình thường là 10 tuổi và 12 tuổi tại Berlin và Brandenburg), học sinh sẽ chọn lựa một trong 5 loại giáo dục phổ thông sau:

– Hauptschule (dành cho lớp 5-9 hoặc 5-10): là lựa chọn kém phổ biến nhất tại Đức, phù hợp cho các học sinh có học lực trung bình, kém. Tại các trường này, học sinh sẽ học các môn như ở Realschule hoặc Gymnasium nhưng với tốc độ chậm hơn và kết hợp với các định hướng học nghề. Hauptschule cung cấp cho học sinh các khóa đào tạo nghề, phần lớn học sinh sẽ tham gia làm việc part-time ở vị trí học việc. Sau khi hoàn thành bài thi cuối khóa (cuối lớp 9 hoặc 10), phần lớn học sinh sẽ chuyển đến học tại Berufsschule- một loại trường dạy nghề trong 2 năm.

– Realschule (dành cho lớp 5-10): khoảng 40% học sinh lựa chọn hình thức này tại Đức mỗi năm. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể chọn lên học trường nghề bán thời gian hoặc trường nghề cao cấp. Nếu các bạn có điểm số cao tại trường Realschule, sẽ được chuyển qua hạng Gymnasium sau khi tốt nghiệp.

– Mittelschule (lớp 5-10): loại hình này là kết hợp giữa học nghề và học lý thuyết.

– Gymnasium (dành cho lớp 5-12 hoặc 5-13): phù hợp với học sinh có mong muốn vào đại học. Hiện nay, chương trình học của Gymnasium rất nặng về lý thuyết (học 2 loại ngoại ngữ, với các kiến thức khó trong toán học và các môn khoa học). Biết 1 ngoại ngữ là điều bắt buộc khi học Gymnasium.

– Gesamtschule (dành cho lớp 5-12 hoặc 5-13) trực thuộc bang, là sự kết hợp của ba loại hình trên.

Hệ giáo dục sau phổ thông:

– Berufsschule (trường dạy nghề- từ 2 đến 3 năm): không thuộc hê thống giáo dục công lập nhưng lại được đầu tư và bảo trợ bởi chính phủ liên bang. Berufsschule kết hợp giữa giáo dục lý thuyết và học nghề.

– Giáo dục đại học (higher education) gồm:

+ Hệ thống các trường đại học tổng hợp : các chương trình giảng dạy luôn phải được tuân thủ và định hướng theo nghiên cứu dựa trên nguyên tắc duy nhất: “Sự thống nhất trong nghiên cứu và giảng dạy”.

+ Hệ thống các trường đại học khoa học ứng  dụng: Chương trình đào tạo định hướng thực tiễn, chuyên sâu vào kiến thức nghề nghiệp và kỹ năng chuyên môn. Các chương trình đào tạo luôn được tổ chức, sắp xếp chặt chẽ nên thời gian học tập được rút ngắn hơn (thông thường là 4 năm).

  1. Các ưu điểm của giáo dục Đức

Hệ thống giáo dục Đức là một hệ thống mở, học sinh có thể thay đổi loại hình đào tạo, chương trình học theo khả năng của bản thân. Các học sinh có thể tham gia chương trình đào tạo kép, kết hợp giữa học kiến thức và làm việc thực hành tại các doanh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ cả kiến thức lẫn kỹ năng để tìm được một công việc tốt trong tương lai.

Các học sinh ở các trường trung học sau khi tham gia học các trường học nghề có thể học tại các lớp học bổ túc để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông, nếu có bằng tốt nghiệp phổ thông thì có thể nộp đơn vào bất kỳ trường đại học hoặc cao đẳng nào.

Hầu hết các trường học tại Đức đều miễn học phí cho học sinh, sinh viên, chỉ có một vài trường bắt đầu thu phí từ năm 2004 để nâng cao chất lượng cạnh tranh giữa các trường.

Đồi với Đức, nhắc đến thế mạnh đào tạo, các học sinh Việt Nam đều hướng tới chương trình đào tạo vừa học vừa làm ngành điều dưỡng hay ngành nhà hàng khách sạn. Chương trình đào tạo thường là 70% lý thuyết, 30% thực hành. Các du học sinh không mất học phí, sau khi học lý thuyết sẽ được làm việc thực hành và nhận lương trực tiếp. Chính vì vậy đây là thị trường du học được nhiều học sinh hướng tới, phù hợp với điều kiện kinh tế của đa phần các gia đình Việt.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *